Agra đâu chỉ có mỗi Taj Mahal

by phuongnhung
0 comment

Đã sắp được đến Agra, đến Taj Mahal rồi sao? Thuở còn bé ở quê nghèo, mơ màng đọc những quyển sách giấy đen thui thùi lùi nhưng vẫn sáng ngời lên vẻ diễm lệ của Taj Mahal qua bút pháp tài tình của các –văn-thi-sĩ. Nhiều kỳ quan trên thế giới đều được phong hoặc tự phong cho mình là Kỳ quan thế giới thứ 8, nhưng theo nhiều người, có lẽ Taj Mahal là xứng đáng nhất với danh hiệu này. Nhiều người cũng cho rằng, đến Ấn Độ mà chưa viếng Taj Mahal cũng xem như là chưa đến Ấn. Nhiều người khác lại nói… Vậy mà, bây giờ tôi lại sắp được đến viếng Kỳ quan thứ 8 này. Hạnh phúc!!!

Dù đường đến hạnh phúc không trơn tru lắm nhưng chẳng có nghĩa lý gì so với Taj Mahal diễm lệ đang sừng sững chờ đón.

Đêm, rời Attari về Amritsar, cả lũ lóc cóc xuống xe ở dãy kiốt bán vé xe đêm Amritsar – Delhi, ngay trước cửa nhà ga. Trả giá chán chê, được giá tốt rồi nhưng cả lũ vẫn kéo nhau vào trong ga lần cuối, xem thử, may đâu có người trả vé. May thật, cuối cùng lại còn mấy vé ghế nằm cứng, giường sắt, OKie chơi luôn. Hí hửng mua vé tàu xong cả lũ chè chén say sưa rồi ra sân ga chờ tàu chuyến tàu đêm. Mãi đến 9.40pm, tàu đến, xình xịch, xình xịch lê lết mãi… đến 8.00am tàu về tới Delhi. Lại mất 1h đồng hồ quẩn quanh sân ga mua vé tàu Delhi – Agra. Hết vé. Cả lũ lại kéo nhau lếch thếch băng ngang qua ga để đến bến xe đi Agra, cũng gần đó. Đi ngang qua cái quầy vé thấy có chữ Agra tấp vào hỏi thăm. Té ra là tàu chợ đi Agra, lúc nãy vẫn còn vé nhưng các anh chị bán vé tưởng rằng người “ngoại quốc” không đi tàu chợ, bé cái nhầm. Tàu chợ thì tàu chợ, dân chơi cóc sợ mưa rơi. Hí hửng cả bọn cầm vé chạy lơn tơn lên tàu thì đúng lúc tàu khởi hành, 9.20am. Tàu chạy lọc cọc lọc cọc đến 12.50am thì đến Agra. Xuống tàu, cả lũ lon ton lên auto-rickshaw về xóm trọ cho dân balo, gần cổng bán vé vào Taj Mahal. Đến nơi, lượn lờ trả giá, sắp xếp phòng ốc xong xuôi đã hơn 2pm.

Cập nhật hành trình từ bpk lang thang từ biên giới Nepal – Ấn Độ đến hiện nay

Lẽ ra, đến Agra là phải chạy ngay đến Taj Mahal nhưng vì thời gian của buổi chiều không còn nhiều nên cần xếp lịch đi thận trọng. Hơn nữa vé vào Taj Mahal chỉ cho ra vô 1 lần, lại tương đối đắt nên cần dành nhiều thời gian hơn và nên đến đó vào thời điểm đặc biệt như bình minh hay hoàng hôn sẽ hay hơn. Do vậy, tôi quyết định lên đường đi Fatehpur Sikri ngay, thay vì đi Taj Mahal.

Nhọc nhằn ra bến chờ xe bus địa phương, đến 3.15pm mới có xe. Lọc cà lọc cọc trên đường đến hơn 4.30pm mới đến nơi, chưa thấy đâu cả chỉ thấy quá trời các bạn cò bạn vạc xúm xít vây quanh. Tôi và đồng bọn băng mình tách khỏi đám cò vạc và khoai Tây, chui vào thôn xóm. Ngộ một cái là ở đây hỏi đường người ta không chỉ, mà cứ chỉ vào đám cò vạc kia. Tức quá, bọn tôi xông vào các con hẻm, hướng về Fatehpur Sikri lấp ló trên cao kia. Ngoằn ngoèo vào các hẻm nhỏ, nhờ các em bé chỉ đường và chèn đét quỷ thần ơi, Fatehpur Sikri hoành tráng diễm lệ kia rồi.

Dù đã từng ngỡ ngàng với thánh đường Masjid Jama, Red Fort, lăng Humayun… tôi vẫn sững sờ khi vừa chạm trán Fatehpur Sikri. Vậy còn Taj Mahal?

Fatehpur Sikri đây! Bạn nhìn những con người bé xíu bên dưới để tưởng tượng về chiều cao hoành tráng của Fatehpur Sikri nhé!

Nằm cách Agra 26km, thành phố bị bỏ hoang Fatehpur Sikri từng là kinh thành của vương triều Mughal, dưới thời vua Akbar, vị vua thứ 3 của triều đại các Mughal, sau Babur và Humayun.

Những năm 1560, khi 2 vị hoàng tử sinh đôi của Akabr qua đời, quốc vương đến viếng thăm vị giáo sĩ Salim cư ngụ ở làng Sikri. Salim tiên đoán rằng sắp tới Akbar sẽ có hoàng nam. Đúng như vậy, năm 1569, tại Sikri, hoàng hậu hạ sinh 1 hoàng nam và được đặt tên là Salim để tỏ lòng kính trọng vị giáo sĩ. Năm sau, Akbar quyết định sẽ xây dựng cung điện hoàng gia và kinh thành ở đây để tôn vinh vị giáo sĩ này. Từ “Fateh” tiếng Á Rập, Ba Tư đều có nghĩa là Chiến thắng. Được xây dựng từ 1570, Fatehpur Sikri trở thành kinh thành từ năm 1571 đến năm 1585. Sau đó kinh thành này đã bị bỏ hoang khi nhà vua Akbar dời kinh đô đi nơi khác, Lahore. Lý do vẫn chưa rõ, nhưng nhiều sử sách cho rằng vì nguồn nước nơi đây trở nên khô cạn hoặc vua Akbar cần dời đến Lahore để gần hơn, dễ chiến đấu hơn với quân đội Afhganistan và Ba Tư đang lăm le tấn công Ấn Độ vào lúc bấy giờ.

Kinh thành hoang phế Fatehpur Sikri rộng thênh thang với rất nhiều di tích văn hóa, lịch sử, đã được Unesco công nhận. Biết chắc chiều nay thời gian quá ít ỏi sẽ không đi được nhiều, tôi quyết định chỉ tập trung ở Thánh đường Hồi giáo Jama Masjid và các khu vực quanh đó, không đi xa hơn nữa. Vậy mới còn cơ hội lần sau ghé Agra chứ!

Xây dựng theo kiến trúc Ba Tư và Ấn Độ và hoàn thành năm 1571, Jama Masjid rất nổi bật với cái cổng Buland Darwaza (Victory Gate) mà bạn vừa thấy trong bài trước. Cao 54m, đây có lẽ là cánh cổng to nhất châu Á. Cổng này có tên Victory vì nó được xây dựng mừng chiến thắng ở Gujarat của vua Akbar. Sau khi leo lên những bậc thang cao ngút ngàn, mà khi say chắc phải bò lên quá, tôi ngỡ ngàng nhè nhẹ chạm tay vào cánh cổng thành vĩ đại không hề thay đổi dù đã bị bỏ hoang phế hơn 4 thế kỷ qua.

Nắng đã rớt bên ngoài thành

Chỉ còn hắt lên đôi chút trong sân mênh mang của thánh đường

Làm bằng đá sa thạch đỏ, chạm khắc tô điểm bằng cẩm thạch trắng và những phù điêu điêu khắc, những mái vòm trắng tinh tế… cổng thành thật rực rỡ, nhất là khi nắng chiều muộn phủ một màu đỏ nhè nhẹ huyền hoặc. Chiếc cổng thành xem như không thay đổi bao nhiêu trải qua bao tháng năm dãi dầu sương gió, là thêm một điểm cộng nữa cho Ấn Độ huyền bí và quyến rũ.

Tháo giày, kiên quyết không gửi, kẹp nách. Hiên ngang qua cổng miễn phí vé vì đã quá muộn. Cất cao đầu, nhỏ nhẹ giọng “No speak English!” và luôn mỉm cười nho nhã lắc đầu nhè nhẹ, tôi nhanh chóng thoát khỏi các bạn cò bạn vạc đang tấn công tôi từ bốn phương tám hướng. 2 nữ đồng bọn đi chung, đã tách ra và sa lưới, không biết vì vẻ điển trai của các chàng Ấn Độ hay là lời thủ thỉ: “Em là sinh viên, hướng dẫn miễn phí, cũng là đang thực tập…”. Nói thiệt nghen, nếu mấy bạn ấy mà là sinh viên chắc tôi cũng còn là sinh viên hay học sinh trung học quá, dù không biết đã bao nhiêu mùa lá rụng từ ngày ra trường… Tám cho vui chút hén, nhưng cũng để mấy bạn đi sau biết tình hình.

You may also like

Leave a Comment