Myanmar tháng 9, cái nóng của nắng và hơi ẩm từ những cơn giông ẩn náu đâu đó trong các vòm lá quện vào nhau tạo nên một không khí vừa uể oải vừa ngái ngủ.
Cuộc sống cũng vì thế mà chậm rãi trôi đi, giống như bước chân ngắn của những khách bộ hành, của những người đạp xe, của những bác tài trisaw trên phố… của giới công chức, của học sinh, của bà nội trợ,… tất cả đều trôi qua cái nóng trong những bước chân ngắn…
Chỉ bởi vì họ đều mặc sà rông, mà tiếng Miến gọi là Longi.
Cuộc hành trình trên đất Miến của chúng tôi đầy ắp sự tò mò thích thú gắn liền với chiếc Longi. Đó là cả một sự kỳ thú gợi mở… khơi gợi những tưởng tượng thú vị đến mức người phụ nữ chín chắn như em Linh cũng phải bất giác mỉm cười.
Longi ở Miến Điện là quốc phục. Nó vừa hợp với khí hậu, lại vừa hợp với văn hóa Phật giáo. Nó đủ dài để thể hiện sự tôn trọng Phật giáo khi vào đền chùa, lại đủ rộng rãi để thông thoáng tránh cái nóng gay gắt hay cái lạnh của những cơn mưa bất chợt. Người Miến ai cũgn cao ráo ưa nhìn nên khi mặc Longi trông lại càng hấp dẫn.
Đàn ông mặc Longi kẻ, sau nhiều nước giặt thì chiếc longi cũng mềm mại và quấn vào nhịp bước dễ dàng, đàn ông có nhiều cách quấn Longi, phong phú hơn các cách thắt cavát của phương tây. Ông thì xuề xòa để longi thành múi vải buộc, người thì gọn ghẽ quấn nút tròn, bỏ áo trong “longi” trông chỉn chu lịch sự. Lận ở thắt lưng, đàn ông Myanmar hay dắt những chiếc ví dài, thanh bình như chưa hề biết đến việc trộm cắp, nhàn tảng như chưa hề sợ “tụt longi”.
Phụ nữ mặc Longi hoa in hoặc thêu kiểu vấn cũng đơn giản nhẹ nhàng. Longi quấn quanh người 1 vòng rưỡi thế nhưng vấn không gấp nếp, mặc áo vẫn thấy bụng nhỏ xinh.
Trẻ em cả nước đến tuổi đi học đều mặc sơ mi trắng Longi xanh lá cây.
Các bác lao động nặng nhọc đến giới công sở cũng đều chơi Longi hết.
Chiếc Longi làm người ta cảm thấy giản tiện, nhẹ nhàng. Đàn ông thường một ngày phải buộc lại Longi không quá …. 30 lần….
Đi nhanh quá… tụt
Đạp xe một hồi nhổm lên ngồi xuống… tụt
Phải tập dựot 1 điệu múa mới… tụt
Rút ví ra nhanh quá… tụt….
Hai tay xóc xóc chiếc Longi ở giữa phố, người đứng trên cao nhìn cả được vào bên trong. Các chị em trong đoàn chỉ giảm cười mỉm mà tưởng tượng xem liệu việc longi bị tụt xuống có liên quan đến kích thước bên trong longi hay không…
Nhưng đôi khi sự bí hiểm quá to lớn làm người ta choáng ngợp nên các chị em bèn bỏ cuộc mà tập trugn vào trả lời câu hỏi là bên trong longi người ta có mặc gì khôgn mà thôi….
….
Trên suốt dặm đường, chúng tôi gặp không biết bao nhiêu sắc màu longi. Đi thăm nhiều xưởng dệt. Đem lòng yêu cái sự giản tiện, ý nhị.
Đem lòng yêu những chiếc longi được phơi đầy trên lan can ngôi nhà cũ, phất phơ bay trong gió. Yêu điệu múa trong một ngôi chùa cũ ở Bagan khi những vũ công vừa nhẩy vừa nắm “longi” cho khỏi tụt
Chúng tôi được nhìn thấy những chiếc Longi được quấn lên khi đá bóng, đá cầu mây trông giống như chiếc quần đùi xì po gọn gẽ
Được nhìn thấy Longi được các chị các em vấn đến ngực khi đi tắm
Được nhìn thấy Longi được vén cao tận đầu để che nắng
Lại được trải nghiệm cảm giác líu ríu bước chân trong chiếc Longi dài….
Hiếm có đất nước nào truyền được cái quốc phục của họ sang người du lịch dễ dàng như chiếc Longi của Miến. Cảm giác khi mặc chiếc Longi đi trên đường và mỉm cười với một người bản địa, ngân nga câu chào Mingalarbar… thấy trong lòng hạnh phúc khó tả
Giống như thấy mình đã là một phần của xã hội ấy, của những con người dễ mến ấy. Những người không – vội – vã trong những nhịp bước Longi